Những điểm mới của Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và được Quốc hội khóa XV đã thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Luật gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 với các nội dung chính như sau:
1. Về việc áp dụng Luật Đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung quy định về việc không áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với trường hợp đấu giá biển số xe, theo đó, việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Như vậy, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản, trừ trường hợp việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Về tài sản đấu giá
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tiếp tục quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản đấu giá, theo đó gồm hai loại: (i) tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá; (ii) Tài sản không thuộc loại tài sản thứ nhất mà cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá.
Việc liệt kê các loại tài sản mà theo pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá được quy định trên cơ sở cập nhật chính xác và phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó, qua đó, đảm bảo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với các loại tài sản này.
3. Về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Để tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp từ đại học trở lên tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:
(i) Bỏ quy định về điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 03 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn đấu giá viên.
(ii) Bỏ quy định về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
(iii) Bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với đấu giá viên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (các chức danh bổ trợ tư pháp khác đều đã có quy định về bồi dưỡng).
(iv) Bổ sung quy định về việc không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với người đã bị kết án về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản kể cả trường hợp đã được xoá án tích; sửa đổi, bổ sung quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với trường hợp không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm liên tục trừ trường hợp bất khả kháng.
(v) Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản và cá nhân, tổ chức có liên quan để tăng cường tính công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
(vi) Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc thỏa thuận với người có tài sản đấu giá về việc áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản, được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá đối với tài sản đấu giá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá; được thu, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật, qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu giá tài sản của cá nhân, tổ chức được thực hiện chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
(vii) Bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục thực hiện việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản (doanh nghiệp đấu giá tài sản thay đổi địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; thay đổi danh sách đấu giá viên hành nghề trong doanh nghiệp; thay đổi về địa chỉ trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; thay đổi Trưởng chi nhánh...); bổ sung trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm công bố nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
(viii) Bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản và bỏ thủ tục cấp Thẻ đấu giá viên nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
4. Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản
Để đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, hạn chế các tiêu cực phát sinh, đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:
(i) Bổ sung một số nội dung chính của Quy chế cuộc đấu giá như: Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, lô tài sản hoặc tài sản riêng lẻ; địa điểm, thời gian bắt đầu và kết thúc việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; tiền đặt trước, bước giá, phiếu trả giá hợp lệ, không hợp lệ, giá trả của từng loại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng thời là người có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá để đảm bảo việc tiếp cận thông tin tập trung, thống nhất.
(ii) Sửa đổi, bổ sung quy định về xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, việc thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá đảm bảo thuận lợi, thu hút nhiều người tham gia đấu giá; quy định rõ ràng, cụ thể thành phần hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, trình tự, thủ tục thực hiện hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.
(iii) Bổ sung 02 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến, trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Thông tin điện tử Đấu giá tài sản quốc gia hoặc Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến; các nguyên tắc chung thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức đấu giá trực tuyến, góp phần nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.
(iv) Sửa đổi, bổ sung quy định cho phép bán đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá; một người tham gia đấu giá; một người trả giá; một người chấp nhận giá nếu người đó trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm, trừ trường hợp pháp luật áp dụng đối với tài sản đó có quy định khác để bảo đảm tránh lãng phí nguồn lực mà vẫn xử lý tài sản hiệu quả.
(v) Bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như: Thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá (thời gian niêm yết dài hơn so với tài sản thông thường); cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền, trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm, trường hợp trả giá, chấp nhận giá để đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; việc xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người có tài sản đấu giá; việc dừng, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong một số trường hợp; bổ sung Điều mới về việc trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công.
(vi) Sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ đối với một số trường hợp hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự; đồng thời quy định rõ hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.
5. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản
Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản trong quá trình tổ chức đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:
(i) Sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá mà Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định như: Quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức thực hiện việc đấu giá; xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá; không được cung cấp thông tin của người tham gia đấu giá cho người tham gia đấu giá khác trong quá trình thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá cho đến khi kết thúc cuộc đấu giá.
(ii) Bổ sung quy định về việc cấm tham gia đấu giá từ 06 tháng đến 05 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, đồng thời, quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá đối với hai loại tài sản nêu trên.
(iii) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ở trung ương trong việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Thông tin điện tử Đấu giá tài sản quốc gia, quy định chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên, quy định chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Thông tin điện tử Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Thông tin điện tử Đấu giá tài sản quốc gia và các chi phí khác liên quan theo quy định của pháp luật…
6. Về quy định chuyển tiếp
Để đảm bảo việc thực hiện các quy định pháp luật được thông suốt, thuận lợi, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định chuyển tiếp như sau:
(i) Trường hợp người có tài sản đấu giá đã thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành nhưng chưa có kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thì người có tài sản đấu giá tiếp tục thực hiện việc lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15.
(ii) Trường hợp người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành thì việc tổ chức đấu giá được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15.
(iii) Trường hợp người được miễn đào tạo nghề đấu giá đang tập sự hành nghề đấu giá hoặc đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15 trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành, khi đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá thì việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá được tiếp tục thực hiện quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15.